Ngày Hemophilia thế giới 17/04

17.4.2025

Bệnh lý di truyền là một trong những nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Nhắc đến bệnh lý di truyền đơn gen, không thể bỏ qua Hemophilia – bệnh ưa chảy máu. Căn bệnh ưa chảy máu là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình khi sinh con ra mắc bệnh. Hôm nay, Ngày Hemophilia thế giới 17/04. Nguyên nhân nào gây ra bệnh lý này? Căn bệnh này có thể phòng ngừa không?

Một số thông tin về bệnh Hemophilia

Hemophilia, hay còn gọi là bệnh máu khó đông, bệnh ưa chảy máu, là rối loạn đông máu di truyền do thiếu hụt yếu tố VIII, yếu tố IX là những yếu tố cần thiết cho quá trình tạo cục máu đông. Gen sản xuất yếu tố VIII/yếu tố IX nằm trên nhiễm sắc thể giới tính, di truyền lặn vì vậy người bệnh thường là nam giới và người phụ nữ là người mang gen bệnh. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 30.000 người mang gen hemophilia.

Bệnh Hemophilia do nguyên nhân gì?

Hemophilia xảy ra do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu trong chuỗi 12 yếu tố giúp đông máu. Hemophilia có 2 thể bệnh chính là Hemophilia A do thiếu yếu tố VIII gây nên. Đây là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm 80%. Thể thứ hai là Hemophilia B gây ra do thiếu yếu tố IX.

20210824 HemophiliaA 2

Hemophilia là một rối loạn di truyền do các đột biến đoạn, đảo đoạn, hay mất đoạn ảnh hưởng đến gen yếu tố VIII hoặc yếu tố IX. Bởi vì những gen này nằm trên nhiễm sắc thể X, bệnh hemophilia chủ yếu ở nam giới. Con gái của người đàn ông mắc bệnh là những người mang gen bệnh, nhưng sinh con trai bình thường. Con trai của người mẹ mang gen bệnh có 50% khả năng mắc bệnh, con gái có 50% khả năng mang gen bệnh.

Cơ chế di truyền của bệnh Hemophilia

Mỗi lần mang thai, người mẹ mang gen hemophilia (có một NST X mang gen bệnh) có khả năng truyền gen cho đời sau với tỷ lệ 1/2.

  • Nếu gen bệnh truyền cho con trai thì sẽ bị hemophilia.
  • Nếu truyền cho con gái thì con gái sẽ là người mang gen hemophilia.

Nếu bố là bệnh nhân hemophilia và mẹ là người bình thường thì tất cả con gái đều mang gen hemophilia. Con trai của người này hoàn toàn bình thường và cũng không truyền bệnh cho thế hệ sau.

Nếu bố bị hemophilia và mẹ mang gen thì có khả năng sinh con gái bị hemophilia. Đây là trường hợp đặc biệt quan trọng cần ghi nhớ khi kết hôn gần huyết thống.

Tại sao người mắc bệnh Hemophilia chảy máu lâu hơn người khác?

Ở bệnh nhân Hemophilia, một yếu tố đông máu bị thiếu, hoặc nồng độ yếu tố đó thấp so với người bình thường, điều này gây khó khăn cho việc hình thành cục máu đông. Do đó khi chảy máu, máu chảy lâu hơn bình thường. Có 13 yếu tố đông máu trong huyết tương nên mỗi yếu tố đông máu được đặt tên và ghi bằng một chữ số La Mã từ I đến XIII, hay 1 đến 13. Có quá ít yếu tố VIII (8) hoặc IX (9) sẽ gây ra bệnh ưa chảy máu.

Có cách nào để phòng ngừa bệnh Hemophilia không?

Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng có thể chủ động phòng ngừa Hemophilia. Phụ nữ hiếm khi mắc bệnh Hemophilia, nhưng nếu mang gen bệnh này, những đứa con trai của họ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bởi vậy, những phụ nữ trong gia đình có người mắc bệnh Hemophilia cần nhận thức đầy đủ về bệnh và nên đi khám để được tư vấn, tầm soát các bệnh di truyền trước hôn nhân và trước khi sinh con. 

Tại Viện Mô phôi thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp gia đình đã có cháu bé mắc bệnh. Nỗi vất vả là quá lớn khi chăm sóc các cháu không may mắc bệnh. Khi có người mẹ mang gen bệnh này, tỷ lệ sinh con mắc bệnh rất cao. Vì vậy, xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi là điều hết sức cần thiết.

66
Những em bé khoẻ mạnh sinh ra từ kỹ thuật PGT-M từ bệnh nhân Hemophilia tại Viện.

Ngày Hemophilia thế giới 17/04

Ngày 17/4/1989, Liên đoàn Hemophilia thế giới chính thức chọn đây là Ngày Hemophilia thế giới.

Hơn ba thập kỷ qua, ngày này không chỉ là dịp để nâng cao nhận thức về căn bệnh rối loạn đông máu, mà còn là cơ hội để chúng ta chung tay xây dựng một thế giới bao dung hơn, nơi những người mắc bệnh không còn phải đơn độc trong cuộc chiến với bệnh tật.

489958711 1059781372844216 2482955408212744979 n 2

 
Ngày Hemophilia thế giới 2025 với chủ đề là: “ACCESS FOR ALL: WOMEN AND GIRLS BLEED TOO”. Đây là lời kêu gọi khẩn thiết, phá vỡ định kiến lâu nay rằng chỉ nam giới mới mắc bệnh Hemophilia. Hemophilia và các rối loạn đông máu khác không phân biệt giới tính. Hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái mang gene bệnh hoặc mắc các dạng nhẹ thường bị chẩn đoán muộn, thậm chí bị từ chối điều trị vì quan niệm sai lầm: “Con gái không bị Hemophilia”. Hậu quả là họ phải chịu đựng những cơn đau kéo dài, kinh nguyệt bất thường, hoặc nguy cơ xuất huyết sau sinh mà không được hỗ trợ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status