Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm gồm nhiều bước rất phức tạp. Quy trình này bao gồm: kích trứng, chọc noãn, nuôi phôi, trữ phôi (đối với chuyển phôi trữ), chuyển phôi. Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại. Chính vì vậy trên hành trình đó, chắc chắn bạn sẽ có nhiều nỗi lo. Trong đó, nhiều chị em thắc mắc rằng chuyển phôi có đau không? Có mất nhiều thời gian không? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây để cảm thấy bớt lo lắng nhé!
I. QUY TRÌNH CHUYỂN PHÔI
1. Chuyển phôi là gì?
Chuyển phôi là một thủ thuật của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là kỹ thuật đưa phôi vào lại cơ thể mẹ để phôi phát triển thành thai nhi. Phôi được chuyển vào cơ thể mẹ có thể là phôi đã được nuôi đến ngày 3 hoặc ngày 5.
👉👉👉👉👉👉Tìm hiểu thêm: Hình Thái Phôi Quan Trọng Như Thế Nào?
2. Quy trình chuyển phôi
Sau một thời gian canh niêm mạc, khi hình thái và độ dày niêm mạc lý tưởng, bạn sẽ được chuyển phôi. Chuyển phôi không cần gây mê và khoảng 5-7 phút là thực hiện xong.
Quy trình chuyển phôi tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội gồm các bước:
- Đầu tiên đưa ống catheter chuyên dụng đã được chuẩn bị một cách nhẹ nhàng qua cổ tử cung dưới hướng dẫn siêu âm (siêu âm ở bụng và bạn có thể nhìn thấy catheter được đưa vào buồng tử cung trên màn hình siêu âm)
- Khi catheter chuyển phôi đã chuẩn bị sẵn sàng, các chuyên viên phôi học sẽ chứa phôi vào Catheter chuyên dụng nhỏ hơn. Và các chuyên viên phôi học mang Catheter chuyên dụng đã có phôi vào phòng chuyển phôi khi mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, bác sĩ sẽ đưa ống thông có chứa phôi qua Catheter chuyên dụng đã được chuẩn bị.
- Khi Catheter chuyên dụng chứa phôi nằm đúng vị trí, phôi sẽ được đặt vào buồng tử cung. Bạn có thể nhìn thấy qua màn hình siêu âm bên trong niêm mạc tử cung. Tuy nhiên do phôi quá nhỏ để nhìn thấy trên màn hình siêu âm bạn chỉ có thể thấy những giọt môi trường chứa phôi được bơm qua Catheter và đặt phôi vào vị trí an toàn trong lòng tử cung
- Bước cuối cùng các chuyên viên phôi học kiểm tra lại Catheter chứa phôi lần nữa dưới kính hiển vi với độ phóng đại cao để xác nhận rằng phôi đã được chuyển.
II. CHUYỂN PHÔI CÓ ĐAU KHÔNG?
Theo Bác sĩ Trịnh Thế Sơn – Giám đốc Viện chia sẻ: “Tại Viện thì quá trình này cũng không vất vả đối với bệnh nhân, bình thường bệnh nhân không đau. Chúng tôi sẽ dùng những catheter rất nhỏ để đưa phôi vào trong buồng tử cung của người mẹ. Và catheter vừa nhỏ vừa mềm để đảm bảo làm sao không sang chấn niêm mạc tử cung. Vì thế quá trình này sẽ không đau đớn cho người mẹ”. Vì vậy các chị hoàn toàn có thể yên tâm.
“Hiện nay muốn làm tăng hiệu quả chuyển phôi, nghĩa là làm tăng tỷ lệ thành công thì chúng tôi cũng như trên thế giới đã áp dụng chuyển phôi dưới siêu âm. Muốn làm siêu âm rõ thì bệnh nhân cần phải nhịn tiểu làm sao để bàng quang căng và qua đó siêu âm có thể nhìn rõ được. Khi siêu âm nhìn rõ được thì chúng tôi có thể đưa phôi vào đúng vị trí thích hợp nhất. Vì vậy yêu cầu của phụ nữ khi đi chuyển phôi thì cần phải nhịn tiểu, bàng quang căng để phục vụ cho quá trình chuyển phôi được thuận tiện hơn” Bác sĩ Sơn cho biết thêm.
III. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG VÀ NGHỈ NGƠI SAU CHUYỂN PHÔI
Đối với chế độ ăn uống:
Người mẹ vẫn ăn uống bình thường, phải đảm bảo đủ dinh dưỡng vì chúng ta xác định là sắp sửa có thai. Chế độ dinh dưỡng luôn luôn rất là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ để nuôi thai sau này.
Chế độ sinh hoạt:
Bạn nên tránh các chất kích thích, ngủ nghỉ đều đặn, có khoa học, không thức khuya, dậy sớm hoặc nằm bệt 1 chỗ thì không nên.
IV. SAU CHUYỂN PHÔI BAO LÂU THÌ SẼ CÓ KẾT QUẢ?
Quá trình làm tổ của phôi ngày 3 sẽ diễn ra trong khoảng từ 3-5 ngày sau khi chuyển phôi.
Đối với nhóm chuyển phôi ngày 5 thì quá trình làm tổ của phôi thì diễn ra ngay sau khi phôi được chuyển từ 1-3 ngày.
Tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất để thực hiện xét nghiệm máu đo nồng độ beta hCG (thường gọi tắt là đo beta) thì thường vào khoảng 14 ngày sau khi chuyển phôi.
Thụ tinh ống nghiệm là một quá trình rất vất vả và có nhiều khó khăn cho bệnh nhân. Trên hành trình đó, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những âu lo và căng thẳng. Chắc hẳn bài viết này đã giúp bạn biết chuyển phôi có đau không. Nhưng các bạn hãy luôn vững tin là sau hành trình vất vả này, thiên thần đáng yêu sẽ chào đời, thay đổi cuộc sống của bạn. Chúc các bạn luôn vững tin và đồng hành cùng bác sĩ. Chúc các bạn sớm đón con yêu nhé!
Có thể bạn quan tâm
Lịch khám bệnh từ ngày 09/09 đến ngày 15/09!
Một số xét nghiệm cận lâm sàng cho nam giới khi khám hiếm muộn
Người chắp cánh ước mơ làm cha mẹ cho hàng ngàn gia đình!
Em bé đáng yêu đến từ Bắc Ninh!