Lạc nội mạc tử cung không phải là bệnh lý ác tính nhưng thường tiến triển nặng theo thời gian. Vì vậy, bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung không nên trì hoãn việc sinh con. Tỷ lệ hiếm muộn trên phụ nữ có lạc nội mạc tử cung chiếm khoảng 50%. Chúng tôi muốn cung cấp thêm một số thông tin như lạc nội mạc tử cung là gì, triệu chứng, ảnh hưởng thế nào đến tình trạng hiếm muộn, có nên mổ LNMTC hay chỉ cần điều trị nội khoa. Vậy mối liên hệ giữa lạc nội mạc tử cung và hiếm muộn như thế nào? Mời quý bệnh nhân cùng tham khảo bài viết dưới đây.
I. LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG LÀ GÌ?
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung phát triển bên ngoài buồng tử cung, ở đó lạc nội mạc tử cung chịu ảnh hưởng của hormone sinh dục, phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt.
Ở các cặp vợ chồng bình thường, xác suất có thai trong 1 chu kì tự nhiên là 15–20 % và con số này ở phụ nữ có lạc nội mạc tử cung không điều trị là 2–10%.Hiếm muộn là tình trạng khó có con của cặp vợ chồng có quan hệ đều đặn sau 1 năm nếu vợ dưới 35 tuổi và sau 6 tháng nếu vợ trên 35 tuổi, khoảng 25-50% phụ nữ hiếm muộn có LNMTC.Vị trí LNMTC có thể hiện diện: buồng trứng, ống dẫn trứng, phúc mạc, cơ tử cung, bàng quang, đường tiết niệu, đường ruột….
II. TRIỆU CHỨNG CỦA LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG
- Đau bụng nhiều khi hành kinh (có thể đau không liên quan tới chu kì kinh), đau sau QHTD
- Xuất huyết tử cung bất thường
- Chậm có con
- Đi tiểu đau, ra máu, chảy máu trực tràng… theo chu kì kinh
- Triệu chứng chèn ép: tiểu khó, táo bón…
>>>>TÌM HIỂU: TẮC VÒI TRỨNG NÊN LÀM GÌ?
III. MỐI LIÊN QUAN GIỮA LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG VÀ HIẾM MUỘN
- Viêm dính vùng chậu --> ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn và di chuyển của trứng sau rụng;
- Thay đổi chức năng phúc mạc --> tiết dịch màng bụng, tăng prostaglandin, interleukin-1, yếu tố hoại tử u và proteases --> làm ảnh hưởng hoạt động bắt trứng của tua vòi, ảnh hưởng đến chức năng vòi trứng, tác động lên noãn và tinh trùng.
- Lượng kháng thể IgG và IgA và tế bào lympho có thể tăng lên khi bị nội mạc tử cung của phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung --> thay đổi khả năng thụ thai nội mạc tử cung và sự làm tổ của phôi.
- Bất thường nội tiết và rối loạn phóng noãn
IV. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ LNMTC TRONG HIẾM MUỘN
- Nếu có cả đau và hiếm muộn, ưu tiên điều trị hiếm muộn trước.
- Nếu phụ nữ LNMTC bị hiếm muộn có kèm với các nguyên nhân hiếm muộn khác, nên cân nhắc áp dụng sớm các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Nếu phụ nữ LNMTC bị hiếm muộn, có giảm dự trữ buồng trứng, nên cân nhắc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sớm.
- Không nên điều trị nội tiết đơn thuần (nội tiết tránh thai, progestins, GnRH đồng vận hoặc Danazol) ức chế chức năng buồng trứng để cải thiện điều trị hiếm muộn có kèm LNMTC nhẹ.
V. CÁC PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ LNMTC LIÊN QUAN TỚI HIẾM MUỘN
- Điều trị nội khoa đơn thuần (NSAIDS, thuốc tránh thai kết hợp, progestin, GnRH đồng vận, ức chế Aromatase)
- Điều trị ngoại khoa:
- Chỉ định phẫu thuật bóc nang LNMTC buồng trứng: khi có triệu chứng chèn ép cơ quan lân cận, hoặc nghi ngờ ác tính.
- Nguy cơ của phẫu thuật bóc nang LNMTC: phẫu thuật không cải thiện rõ rệt khả năng có thai, nhưng có thể phá hủy mô buồng trứng lành, làm giảm dự trữ buồng trứng, làm mất cơ hội có thai, suy buồng trứng sớm.
Trên đây là một số thông tin quan trọng liên quan giữa LNMTC và hiếm muộn. Lạc nội mạc tử cung không phải là bệnh lý ác tính nhưng thường tiến triển nặng theo thời gian. Vì vậy, bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung không nên trì hoãn việc sinh con. Nếu bệnh nhân chưa lập gia đình, có thể tiến hành trữ lạnh noãn tích lũy để sử dụng sau này.
Có thể bạn quan tâm
Lịch khám bệnh từ ngày 09/09 đến ngày 15/09!
Một số xét nghiệm cận lâm sàng cho nam giới khi khám hiếm muộn
Người chắp cánh ước mơ làm cha mẹ cho hàng ngàn gia đình!
Em bé đáng yêu đến từ Bắc Ninh!