Beta hCG thấp nên làm gì?

20200511 xet nghiem beta hcg la gi 1

Điều quan tâm cuối cùng của hỗ trợ sinh sản là những em bé khỏe mạnh chào đời. Thế nhưng IVF là một quy trình phức tạp và đòi hỏi nhiều yếu tố. Khi bước vào hành trình này, nhiều nỗi lo lắng bủa vây các chị em hiếm muộn. Một trong những lo âu thường gặp chính là vấn đề liên quan đến beta hCG sau chuyển phôi. Chỉ số beta hCG sau chuyển phôi 2 tuần sẽ xác định bạn đã có thai hay chưa. Vậy beta hCG thấp nên làm gì?

1. Beta hCG là gì?

HCG là gì?

HCG là viết tắt của cụm từ Human Chorionic Gonadotropin – một loại hormone được tiết ra trong quá trình hình thành nhau thai sau khi trứng rụng đã được thụ tinh và làm tổ. Vai trò của hCG báo hiệu cho tử cung biết hợp tử đã sẵn sàng làm tổ, ngăn trứng rụng theo chu kỳ và hình thành phản ứng của cơ thể người mẹ.

Xét nghiệm hCG là một loại xét nghiệm phổ biến nhất thường được dùng để xác định người phụ nữ có thai hay không dựa trên nồng độ beta HCG có trong máu và nước tiểu.

Tầm quan trọng của xét nghiệm beta hCG

Ý nghĩa của việc thực hiện xét nghiệm hCG là giúp thai phụ phát hiện mình có thai từ giai đoạn sớm. Trong khi lúc này mới chỉ có những dấu hiệu ban đầu như ốm nghén, chậm kinh ở phụ nữ. Dựa trên lượng hóc môn tăng cao vượt ngưỡng sinh lý, có thể kết luận người phụ nữ mang thai.

Để kiểm tra chính xác có thai hay chưa, cần thực hiện lần hai sau 48 – 72 giờ để theo dõi diễn biến của nồng độ HCG nhằm loại trừ các trường hợp gây dương tính giả.

Bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm này vào thời điểm nào?

Đối với bệnh nhân thực hiện bơm IUI, sẽ được hẹn xét nghiệm beta hCG sau 14 ngày bơm. Đối với bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm, xét nghiệm sau 12 ngày chuyển phôi với phôi ngày 5. Và sau 14 ngày chuyển phôi đối với phôi ngày 3. 

2. Phương pháp xét nghiệm beta hCG

HCG là xét nghiệm được đánh giá là một trong những phương pháp đơn giản. Phương pháp này dễ thực hiện hơn so với những phương pháp xét nghiệm khác. Bệnh phẩm được dùng để xét nghiệm có thể là bệnh phẩm máu hoặc nước tiểu của người được xét nghiệm.

Xét nghiệm hCG trên mẫu máu

Người được xét nghiệm sẽ được nhân viên y tế lấy mẫu theo quy trình. Mẫu được chứa trong ống nghiệm có chất chống đông phù hợp. Sau khi được vận chuyển về phòng xét nghiệm, mẫu máu sẽ được kỹ thuật viên xét nghiệm ly tâm để tách huyết tương hoặc huyết thanh và được tiến hành trên máy xét nghiệm đạt tiêu chuẩn. Từ kết quả phân tích, bác sĩ sẽ trả kết quả cho người bệnh theo thông tin trùng khớp với thông tin ghi trên mẫu bệnh phẩm.

nong do beta hcg1
Xét nghiệm beta hCG trên mẫu máu.

Xét nghiệm hCG trên mẫu nước tiểu

Bên cạnh việc sử dụng mẫu máu để thực hiện xét nghiệm, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm bằng cách sử dụng nước tiểu. Đặc biệt, nước tiểu được dùng để xét nghiệm phải là nước tiểu trong ngày để đảm bảo nồng độ hCG cao và chính xác nhất.

Người thực hiện sẽ lấy khoảng 60ml nước tiểu đã đạt tiêu chuẩn. Sau đó đưa vào máy phân tích. Tuy nhiên, xét nghiệm hCG thông thường sẽ được các bác sĩ khuyến cáo lấy máu để thực hiện giúp xác định chính xác kết quả. Đồng thời có thể theo dõi được sự phát triển của thai nhi.

3. Ý nghĩa của chỉ số beta hCG

Khi thực hiện xét nghiệm, nếu nồng độ beta hCG tăng cao hơn mức bình thường có thể sử dụng để xác định tình trạng thai và tuổi thai. Cụ thể, nồng độ beta hCG tăng cao tùy thuộc vào tuổi thai như: 

  • Ở tuần thai thứ 1, nồng độ hCG dao động từ 5 – 50IU/L.
  • Ở tuần thai thứ 2, chỉ số dao động từ 50 – 500IU/L.
  • Ở tuần thai thứ 3, nồng độ tăng lên dao động từ 100 – 10,000 IU/L.
  • Khi thai được 4 tuần, nồng độ này dao động từ 1080 – 30,000 IU/l.
  • Bắt đầu từ tuần thai thứ 6 đến tuần thứ 8, hCG dao động từ 3500 – 115,000IU/L.
  • Đến tuần thai thứ 12, nồng độ hCG tăng cao và dao động 12,000 – 270,000IU/L.
  • Ở tuần thai thứ 13 – 16 tuần, hCG có chỉ số dao động từ 200,000 IU/L trở lên.

Kết quả xét nghiệm hCG trên 25mIU/ml, điều này chứng tỏ người được làm xét nghiệm đã mang thai. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ này dao động trong khoảng từ 5mIU/ml thì khi đó, bác sĩ cần chỉ định thêm một số xét nghiệm khách để tìm ra nguyên nhân làm cho nồng độ này tăng cao. 

4. Beta hCG thấp nên làm gì?

Đồng ý rằng beta – hCG sau chuyển phôi tiên lượng kết cục thai kỳ phần lớn là kém. Nhưng không phải tất cả đều như vậy, phôi thai dù chỉ là những mầm sống rất sớm ban đầu nhưng cũng đã có “nghị lực”. Câu chuyện “beta-thấp” luôn có những kỳ tích xảy ra. Chúng tôi vẫn thường luôn động viên bệnh nhân rằng chúng tôi mong cháu là “con nhà nghèo vượt khó” vì thế các chị hãy không ngừng lạc quan và hy vọng nhé.

Nếu beta sau chuyển phôi của bạn thấp, ĐỪNG TỪ BỎ Hy VỌNG. VÌ vẫn luôn luôn có tỷ lệ nghe được tiếng khóc con yêu chào đời.
  • Xét nghiệm lại beta-hCG sau 48 giờ, nếu tăng gấp 1.5 lần là tiếp tục hy vọng.
  • Chỉ cần có được túi thai trên siêu, cơ hội có con sinh sống lên đến 30 – 50%.
  • Không cần thiết xét nghiệm Estradiol, Progesteron huyết thanh để theo dõi và tiên lượng. Việc bổ sung thuốc theo 2 xét nghiệm này lại càng không có cơ sở.

Trên đây là thông tin beta hCG thấp nên làm gì? Hy vọng rằng bạn sẽ nắm được những thông tin quan trọng và có tâm lý vững vàng để đồng hành cùng bác sĩ. Và đặc biệt là tạo cơ hội và hy vọng cho một ca điều trị thành công tốt đẹp!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

DMCA.com Protection Status