Khi bạn đã mong con nhiều năm, thường bạn sẽ có xu hướng muốn sinh đôi, sinh ba. Để rút ngắn thời gian mong con và thỏa mong ước nguyện được làm cha mẹ. Tuy nhiên, trong hỗ trợ sinh sản, sinh đôi được xem là thai kỳ nguy cơ cao. Vậy đa thai liệu có tốt như bạn nghĩ? Mời các bạn đọc bài viết sau để hỏi rõ hơn.
1. Đa thai là gì?
Đa thai là trong một thai kỳ, thay vì có 1 em bé thì có nhiều hơn một em bé cùng phát triển. Đa thai có thể cùng trứng hoặc khác trứng.
📌📌📌📌Tìm hiểu: Tim thai xuất hiện mấy tuần sau chuyển phôi?
Có những loại đa thai nào:
- Đa thai cùng trứng: Là hiện tượng trứng sau khi được thụ tinh, trong quá trình phân chia tách làm 2 phôi hoặc nhiều phôi giống hệt nhau, từ đó phát triển thành các em bé giống hệt nhau.
- Đa thai khác trứng: Là hiện tượng 2 hoặc nhiều hơn 2 trứng cùng rụng một lúc và thụ tinh với 2 hoặc nhiều hơn 2 tinh trùng và phát triển thành những em bé khác nhau về hình dáng, màu da.
Nguyên nhân dẫn đến đa thai
Di truyền
Nếu bạn có mẹ hoặc chị/em gái từng mang đa thai, khả năng mang đa thai của bạn cũng tăng lên đáng kể.
Tuổi tác
So với những thai phụ tuổi dưới 35, phụ nữ trên 35 tuổi có khả năng mang đa thai cao hơn.
Tiền sử mang đa thai
Nếu trước đây từng mang đa thai, bạn hãy chuẩn bị tâm lý cho lần mang thai này. Vì rất có thể bạn sẽ tiếp tục mang đa thai một lần nữa.
Thuốc kích thích rụng trứng
Các sĩ thường kê thuốc kích thích rụng trứng cho những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Hormone kích thích nang trứng và Clomiphene citrate được bác sĩ kê toa để tăng cường sản xuất trứng. Các loại thuốc này có tác dụng phụ là kích thích nhiều trứng rụng cùng lúc. Và nếu tất cả đều được thụ tinh sẽ dẫn đến hiện tượng đa thai.
Sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản
Khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như lọc rửa và bơm tinh trùng (IUI), các thuốc kích trứng và gây rụng trứng thường khiến cho nhiều trứng được giải phóng trong 1 chu kỳ, từ đó tăng nguy cơ sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn.
Bên cạnh đó, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng làm tăng khả năng đa thai nếu có nhiều phôi được chuyển vào tử cung. Các phôi sau chuyển cũng có khả năng tự phân tách để tạo thành những phôi giống hệt nhau, dẫn tới đa thai.
2. Đa thai liệu có tốt như bạn nghĩ?
Nguy cơ của người mẹ khi mang song thai
Sinh non
Thai kỳ song thai không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ, mà còn gây nguy hiểm cho mẹ. Tỷ lệ thai phụ mang song thai sinh non là rất cao, nguy hiểm hơn có thể đe dọa đến cả tính mạng sản phụ và thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tăng huyết áp thai kỳ
Là tình trạng tăng huyết áp suốt thời gian mẹ mang thai. Các ca song thai có tình trạng tăng huyết áp thai kỳ gấp ba đến bốn lần ca đơn thai. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp thai kỳ có thể gây sinh non, trẻ không phát triển tốt hoặc thai nhi mất trong bụng mẹ. Tăng huyết áp thai kỳ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ, đặc biệt khi nó tiến triển thành tiền sản giật.
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng khi mẹ gặp khó khăn khi duy trì nồng độ đường trong máu. Tiểu đường thai kỳ xảy ra trong khoảng năm phần trăm các ca mang thai đơn, nhưng số thai phụ mang song thai bị tiểu đường thai kỳ cao gấp đôi. Tiểu đường thai kỳ có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và lối sống.
Tiền sản giật
Đây là tình trạng bao gồm tăng huyết áp và tăng tỷ trọng protein trong nước tiểu. Triệu chứng tiền sản giật bao gồm sưng nề, đau đầu và tăng cân. Nguy cơ tiền sản giật ở mẹ đa thai cao gấp đôi thông thường. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể gây sản giật, hay còn gọi là nhiễm độc máu. Sản giật gây động kinh và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé chưa ra đời.
Nguy cơ đối với thai nhi
Đa thai không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn là sức khỏe thai nhi. Một trong những vấn đề hay gặp phải của đa thai chính là sinh non. Nếu sinh quá non bé có thể mất ngay sau sinh, hoặc bé mất, bé sống, nếu sinh không quá non các bé vẫn có thể sống nhưng thường dễ bị yếu hơn bé sinh đủ tháng. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy về sau, nhất là các bé dễ bệnh hơn.
Bên cạnh đó, đa thai còn có nguy cơ sảy thai sớm, thai lưu, dễ ra huyết, đau bụng, động thai.
Ngoài ra, hội chứng truyền máu song thai xảy ra có thể xảy ra trong các ca song thai cùng nhau thai. Nếu không được điều trị, hội chứng này có thể gây suy tim sơ sinh hoặc dẫn đến tử vong.
3. Làm thế nào để có thai kỳ đa thai khỏe mạnh?
Thăm khám bác sĩ thường xuyên
Lời khuyên của các chuyên gia y tế, khi mang thai đặc biệt là mang đa thai, các thai phụ cần đến khám và theo dõi tại các cơ sở y tế. Thực hiện nghiêm túc các buổi khám thai định kỳ. Nếu có những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn, bàn bạc để lựa chọn quyết định.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn của thai phụ có tác động lớn đến thai kỳ. Quá trình tăng cân khi mang thai đôi có thể giúp đảm bảo các trẻ được sinh ra với cân nặng khỏe mạnh. Vì vậy, thai phụ cần đảm bảo một chế độ ăn uống có lượng protein nạp vào thích hợp để giúp bé yêu phát triển.
Uống đủ nước
Mất nước có thể gây sinh non cho bất kì thai kì nào đặc biệt khi mang đa thai. Vì vậy hãy đảm bảo cung cấp nước đầy đủ mỗi ngày.
Vì đa thai dễ xảy ra tình trạng thai to, thai bé…nên 3 tháng cuối thai phụ nhất định phải được theo dõi chặt chẽ để có được sự tư vấn về cách dưỡng thai tốt nhất. Khi chuyển dạ, thai phụ nhất thiết phải đến những cơ sở y tế có khoa hồi sức cho trẻ sơ sinh.
Trên đây là những thông tin hữu ích về: đa thai liệu có tốt như bạn nghĩ? Mong các bạn sẽ có lựa chọn phù hợp với bản thân mình. Để thai kỳ khỏe mạnh, em bé chào đời khỏe mạnh, bình an!
Có thể bạn quan tâm
Bệnh nhân AMH 0.6 sinh con khoẻ mạnh!
Cửa sổ làm tổ của phôi là gì?
Em bé Linh Anh đến thăm Viện!
Ý nghĩa của xét nghiệm các chỉ số về nội tiết tố nữ