Siêu âm thai là một trong những cận lâm sàng quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần đi siêu âm thai khá nhiều lần. Điều này giúp mẹ nắm rõ tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Đồng thời phát hiện ra sớm những bất thường nếu có. Vậy siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?
I. SIÊU ÂM THAI LÀ GÌ
Siêu âm thai là phương pháp theo dõi, kiểm tra sức khỏe thai nhi cơ bản. Bằng cách sử dụng sóng siêu âm có tần số cao ghi lại những hình ảnh thai nhi qua các mặt cắt 2D, 3D hoặc 4D giúp bác sĩ quan sát được cấu trúc và hoạt động của thai nhi nhờ đó phát hiện sớm các bất thường. Là một phương pháp không xâm lấn, tiện lợi không gây bất tiện cho thai phụ vì vậy siêu âm thai trở nên phổ biến và thường quy trong quá trình chăm sóc thai kỳ của các mẹ.
>>>XEM THÊM: CÁCH TÍNH NGÀY DỰ SINH THAI IVF
II. SÓNG SIÊU ÂM CÓ HẠI KHÔNG?
Sóng siêu âm bản chất là sóng âm có tần số cao không có trong tự nhiên. Có nhiều tranh luận về việc sống siêu âm có ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi không. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một kết luận khoa học cụ thể nào cho vấn đề này. Siêu âm theo đúng lịch hẹn thì không ảnh hưởng đến thai nhi cũng như sự phát triển của trẻ sau này.
III. CÁC MỐC SIÊU ÂM QUAN TRỌNG MẸ CẦN THỰC HIỆN
Có 4 thời điểm siêu âm trong thai kỳ mà các chuyên gia khuyến cáo thật sự cần thiết:
- Thai kỳ từ tuần thứ 6 – 10. Kiểm tra chắc chắn xem phôi thai đã vào tử cung an toàn, làm tổ cũng như có tim thai hay không.
- Thai kỳ từ tuần thứ 11 – 14. Thời điểm này, bác sĩ sẽ tính tuổi thai cũng như đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể. Đồng thời, bạn sẽ biết mình mang đơn thai hay đa thai.
- Thai kỳ từ tuần thứ 18 – 22. Bạn sẽ được bác sĩ siêu âm hình thái học thai nhi. Siêu âm này giúp bác sĩ kiểm tra xem các cơ quan nội tạng của bé có phát triển bình thường hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình dạng bên ngoài em bé như hở hàm ếch hoặc dị dạng ở các cơ quan bên trong.
- Thai kỳ tuần thứ 30 -32: siêu âm đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi. Đồng thời có thể phát hiện các bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim… của thai nhi.
Ngoài ra tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ và thai bác sĩ sẽ hẹn siêu âm thai cụ thể cho từng trường hợp
IV. SIÊU ÂM NHIỀU CÓ HẠI CHO THAI NHI KHÔNG?
Đến hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào kết luận siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi. Chính vì vậy chỉ nên khám và siêu âm thai đúng hẹn của bác sĩ hoặc khi có bất thường. Để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi và được bác sĩ tư vấn kế hoạch quản lý thai nghén phù hợp.
V. CẦN LƯU Ý GÌ KHI ĐI SIÊU ÂM THAI?
Những điều lưu ý khi đi siêu âm như sau:
- Trước khi đi siêu âm thai bạn nên tham khảo các cơ sở uy tín và thuận tiện với bạn.
- Khi siêu âm thai, bạn không cần phải nhịn ăn.
- Ngoài ra để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, bạn cần lưu ý tới chế độ ăn và chăm sóc bản thân thật kỹ.
- Bổ sung đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.
- Giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái.Tránh căng thẳng và chăm chỉ vận động nhẹ nhàng để hai mẹ con đều khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần
Siêu âm thai mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình theo dõi thai kỳ. Mong rằng với những chia sẻ trên về câu hỏi siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không ở trên đã giúp cho bạn có được lời giải đáp cụ thể cho mình. Đồng thời lên kế hoạch phù hợp, an toàn để chăm sóc thai kỳ luôn khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Lịch khám bệnh từ ngày 16/09 đến ngày 22/09!
Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không?
Nguyên nhân nào dẫn đến phôi có chất lượng kém?
“Tinh binh” ở nam giới mạnh nhất vào mùa nào?